NHỮNG ĐOẠN VĂN NGHỊ LUẬN HAY CHO ÔN THI TỐT NGHIỆP THPT

admin

Administrator
Thành viên BQT
Nghị luận cho đúng cho hay luôn là nỗi trăn trở của nhiều GV, PHHS. Sau đây, xin giới thiệu một số đoạn nghị luận hay mọi người cùng tham khao.


Nghị luận về Yêu thương

Lòng nhân ái là một đức tính cần thiết để cuộc sống và những mối quan hệ trong xã hội trở nên tốt hơn. Lòng nhân ái là tình yêu thương, sự đùm bọc chở che giữa con người với con người. Từng biểu hiện chúng ta dành cho nhau, từ cử chỉ quan tâm, lời nói, hành động hay lời nói ánh mắt cũng có thể đem lại yêu thương cho người khác. Tôi có thể cùng một lúc yêu thương chính mình, gia đình mình, yêu thương mọi người, yêu mục đích của tôi và yêu cả thế giới này. Nhân ái làm cho ta đồng cảm sẻ chia với những số phận bất hạnh, làm thay đổi những mảnh đời cơ cực, biến cái xấu xa thành lương thiện. Con người sẽ thấy tâm hồn mình trở nên phong phú tràn đầy nhiệt huyết sống khi được cho và nhận tình yêu thương. Khi lời nói của tôi mang đến hoa hồng thay vì gai nhọn, tôi tạo nên một thế giới tốt đẹp hơn. Còn trong câu chuyện Người ăn xin của Tuốc ghê nhép, cậu bé không có tiền nhưng trao đi cả tấm lòng. Người ăn xin nhận được biết bao đồng cảm, thấu hiểu. Trong xã hội hiện đại, câu chuyện MC Phan Anh kêu gọi giúp đỡ đồng bào miền Trung lũ lụt, ca sĩ Mỹ Tâm dừng lại để hát ủng hộ một ca sĩ tật nguyền trong đêm giáng sinh là những tấm gương sáng về lòng nhân ái. Khi ta cảm thấy lòng mình rộng mở sẵn sàng ân cần cảm thông, sẽ thật dễ dàng để yêu thương. Hãy xóa bỏ sự ích kỷ, hẹp hòi, hòa giải những hận thù và gửi đi tình yêu thương. Hãy biến những trái tim chai sạn, trái tim nhỏ nhen thành những trái tim nhân hậu, trái tim quảng đại.


ÁNH TRĂNG - DIENDANKIENTHUC.jpg


Nghị luận về Khoan dung

Có người đã nói rằng: Hòa bình là mục đích, khoan dung là phương pháp. Khoan dung không đơn giản chỉ là bỏ qua những lỗi lầm sai sót của người khác. Khoan dung còn là cởi mở và sẵn sàng tiếp nhận vẻ đẹp của sự khác biệt. Khoan dung là tôn trọng lẫn nhau thông qua sự hiểu biết, thông cảm lẫn nhau. Người khoan dung sẽ ý thức được tính đặc thù và sự đa dạng của con người trong khi loại bỏ những dấu hiệu chia rẽ và tháo gỡ mọi căng thẳng do thiếu hiểu biết gây ra. Không ai sinh ra là đã hoàn hảo. Bởi vậy, trong cuộc sống, ta đôi khi bắt gặp những người mắc sai lầm với mình và mong muốn được sửa chữa những sai sót. Khoan dung còn là cách thể hiện sự cưu mang, giúp đỡ của bản thân với những người lầm đường lạc lối, giúp cho họ được trở về hòa nhập với cuộc sống hơn. Ta đã bắt gặp sự bao dung của Vũ Nương với Trương Sinh, người đã đẩy nàng vào cái chết oan nghiệt nhưng cuối cùng nàng vẫn tha thứ cho lỗi lầm của Trương Sinh, Nguyễn Trãi chấp nhận giảng hòa, khoan hồng cho giặc Minh tàn bạo để giữ gìn bình yên cho đất nước không khắc sâu hận thù giữa hai dân tộc. Tuy nhiên, lòng khoan dung không

có nghĩa là bao che dung túng cho những việc làm cố tình gây tổn hại đến những chuẩn mực đạo đức của con người. Khoan dung với chính mình là tự làm cho bản thân cảm thấy nhẹ nhõm, thoải mái hơn để có thể đưa ra quyết định, mục tiêu đúng đắn hơn. Vì thế cần đề cao những ứng xử độ lượng, biết nhường nhịn thậm chí là hi sinh cho người khác, cao hơn nữa là tha thứ cảm thông.

• Lòng yêu nước
“Ôi Tổ quốc nếu cần ta chết
Cho mỗi ngôi nhà, ngọn núi, con sông”

Tình yêu đất nước, sẵn sàng hy sinh tuổi xuân từ lâu đã trở thành lý tưởng cho biết bao thế hệ người Việt. Cũng như trong bài “Cuộc chia li màu đỏ” ta lại bắt gặp một tình yêu “Khi Tổ quốc cần, họ biết sống xa nhau”. Hai chữ Tổ quốc thiêng liêng trang trọng được đánh đổi bằng biết bao sự hy sinh mất mát. Sự xa cách của tình yêu đôi lứa để nhường chỗ cho tình yêu lớn hơn. Bởi vì trong máu thịt của họ có một phần quê hương. Họ sẵn sàng bỏ lại bỏ lại tất cả, “ruộng nương anh gửi bạn thân cày/Gian nhà không mặc kệ gió lung lay”. Sự chia ly với họ chỉ là tạm thời, sự chia ly đơn giản chỉ là xa cách về địa lý, không gian còn tình cảm thì luôn gắn bó, luôn gần bên, tình yêu vượt qua những thử thách của thời đại. Sự chia ly tràn lệ trên khóe mắt “những người vợ trẻ mòn chân bên cối gạo canh khuya” nhưng trong tâm hồn luôn chất chứa niềm tin, sự lạc quan về ngày trở về, ngày thống nhất. Bởi thế cuộc chia ly không nhuốm màu ảm đạm của mất mát mà được nâng cánh bởi ước nguyện hòa bình. Và trong thời bình ngày hôm nay, chiến tranh đã tạm xa nhưng vẫn có những người chiến sĩ canh gác bầu trời, vùng biển Tổ quốc, vẫn còn những hình ảnh “Đất nước gian lao chưa bao giờ bình yên, bão thổi chưa ngừng trong những vành tang trắng”. Sự hy sinh đó là vô cùng lớn lao nhưng cũng là tất yếu là lý tưởng của thế hệ trẻ. Cho dù có như thế nào thì tuổi trẻ vẫn là linh hồn của Tổ quốc, không bao giờ nguôi ý chí sắt đá bảo vệ Tổ quốc, sẵn sàng lên đường theo tiếng gọi của Tổ quốc thân thương.


Nghị luận về Hòa bình

Hòa bình không chỉ là sự vắng bóng của chiến tranh. Hòa bình là sống hòa hợp và không gây gổ với người khác. Nếu mọi người trên thế giới đều cảm thấy bình an trong lòng, thế giới này sẽ trở nên một thế giới hòa bình. Hòa bình bao hàm những suy nghĩ tích cực, cảm xúc trong sáng và những ước muốn tốt lành. Chúng ta đã thực sự sống trong thế giới hòa bình, bạn đã để tâm trí của mình thực sự điềm tĩnh và thư thái. Đâu đó vẫn tồn tại những xung đột không đáng có giữa những học sinh trong một lớp học, những trẻ em bị xâm hại, bị ảnh hưởng bởi bạo lực. Trên thế giới vẫn còn chiến tranh, khủng bố bởi mâu thuẫn về quyền lợi. Trong bản thân con người vẫn thiếu sự bình yên bởi mâu thuẫn giữa khát vọng đam mê với năng lực thực tiễn. Thực chất hòa bình bắt đầu từ chính chúng ta. Để sống trong bình an, ta cần có tình thương yêu và sức mạnh nội tâm. Gia đình cần quan tâm đến con trẻ của mình, các công dân trong một nước cần đảm bảo những quyền lợi công bằng, các nước cần tăng cường sự hữu nghị, hợp tác trên cơ sở những mặt có lợi. Bản thân mỗi người cần tìm cho mình sự cân bằng trong cảm xúc, trong mục đích sống. Trong mọi tình huống hãy hóa giải những bất hòa để chắp cho hòa bình một đôi cánh.

Nghị luận về sự Tôn trọng

Tự tôn trọng chính mình là tự ý thức được suy nghĩ, hành động của bản thân mình có phù hợp với xã hội, với thước đo nhân cách hay không. Sự tôn trọng đầu tiên phải là tôn trọng chính bản thân – phải biết rằng tôi sinh ra vốn dĩ đã có giá trị. Một phần của lòng tôn trọng đối với bản thân là biết được những phẩm chất của mình. Tôn trọng là biể rằng tôi độc đáo và có giá trị. Khi được người khác tôn trọng nghĩa là người khác đang đánh giá cao hành động và nhân cách của bạn. Nếu bạn không tự biết được giá trị của bản thân mình, biết nhận sai, sửa sai sẽ đánh mất cái nhìn tốt đẹp của người khác về bạn.

Người có lòng tự trọng luôn biết cách nhận lỗi và tìm cách sửa chữa sai lầm. Bên cạnh việc cố gắng trong học tập, bạn cần biết cách hài hòa các mối quan hệ xung quanh bằng việc nói được, làm được và giúp đỡ người khác trong khả năng có thể bằng những hành động đơn giản như chào hỏi lễ phép, nói lời cảm ơn khi nhận được sự giúp đỡ, nói lời xin lỗi khi làm người khác phải suy nghĩ. Còn nhớ nhân vật bà Hiền trong Một người Hà Nội luôn dạy con cái biết đến lòng tự trọng, biết xấu hổ. Hay hồn Trương Ba muốn giữa cho tâm hồn thanh khiết không chấp nhận sửa sai bằng một cái sai khác đã quyết định từ bỏ khỏi thân xác. Như vậy lòng tự trọng là một nhân tố quan trọng góp phần tạo nên giá trị bản thân của một người đồng thời nó là nền tảng điều chỉnh suy nghĩ, hành động giúp bạn giao tiếp một cách hiệu quả.

Người có lòng tự trọng sẽ biết cách hoàn thiện bản thân mình để trở thành một người được nhiều người yêu mến. Biết giá trị của mình và trân trọng giá trị của người khác là cách để được tôn trọng.
 

Đính kèm

Top